MẶT TRÁI CỦA CƠ CHẾ TỔ CHỨC HIỆP HỘI NGÀNH NGHỀ |
|
Thực tế các hãng taxi nói riêng và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải nói chung chây ì không chịu giảm giá cước khi giá xăng, dầu giảm liên tục khiến dư luận rất bức xúc, đòi hỏi phải có biện pháp can thiệp mạnh tay từ phía các cơ quan nhà nước.
Trong chuyện này, xã hội và các nhà chuyên môn nhận định các hãng taxi đang “nhìn nhau tính giá cước”. Đây là động thái mang tính tập thể trong việc tăng hoặc giảm giá cước vận tải, khiến gần như không có khái niệm cạnh tranh về giá và người tiêu dùng không có mấy sự lựa chọn hãng vận tải nào giá rẻ cả, bởi giá gần như tương đương nhau giữa các hãng.
Có tình trạng này, một lý do cần nói đến là sự liên kết của các hãng taxi hay doanh nghiệp vận tải với nhau trong một tổ chức là Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ở các thành phố lớn như TPHCM hay Hà Nội thì có Hiệp hội Taxi TPHCM, Hiệp hội Taxi Hà Nội.
Đây là các tổ chức tập hợp gần như toàn bộ các doanh nghiệp vận tải, hoặc các hãng taxi. Đến một mức nào đó, có thể thấy các hiệp hội này có tính chất như một tập đoàn hay tổng công ty, có vai trò quan trọng trong điều phối giá cả dịch vụ cung cấp ra thị trường, các hội viên ít khi có động thái nào khác đi. Vì thế mà sự cạnh tranh trên thị trường sẽ hạn chế hơn, bởi hầu như không còn doanh nghiệp nào ngoài các hiệp hội này, hoặc nếu có và dám cạnh tranh thì cũng chỉ là chuyện “trứng chọi đá” bởi các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội gần như chiếm thị phần tuyệt đối trên thị trường.
Theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP, gắn với lĩnh vực kinh doanh vận tải, taxi, hội hay hiệp hội là tổ chức tự nguyện của các thành viên có cùng ngành nghề cung cấp các dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa trên địa bàn nhất định (toàn quốc, các tỉnh, thành...) nhằm bảo vệ quyền lợi của hội viên và giúp nhau hoạt động hiệu quả hơn. Ở góc độ tích cực là như vậy, nhưng trên thực tế, mặt hạn chế của các loại hình hiệp hội này không nhỏ.
Như đã nói trên, các hiệp hội này quy tụ hầu hết các doanh nghiệp cùng tính chất ngành nghề. Trên cùng địa bàn, hiện chưa tồn tại từ hai hiệp hội trở lên cùng tính chất ngành nghề. Nếu hiệp hội điều phối mức tăng/giảm giá dịch vụ cung cấp ra thị trường, thì rõ ràng không còn sự cạnh tranh nữa. Các doanh nghiệp nếu có tự định giá thì tỷ lệ chênh lệch cũng chỉ là “có cho vui” mà thôi.
Nên chăng, cần phải làm rõ vai trò, thẩm quyền và trách nhiệm của các hiệp hội này đối với các hội viên, với nền kinh tế và lợi ích xã hội, hoặc cần có không chỉ một mà nhiều hiệp hội cùng ngành nghề trên cùng địa bàn kinh doanh, nhằm đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, vì lợi ích của người tiêu dùng và nền kinh tế nói chung.
Trong bối cảnh các hãng taxi tại TPHCM và Hà Nội chây ì không chịu giảm giá cước dù giá xăng đã giảm rất nhiều như hiện nay, việc người tiêu dùng tìm đến các loại hình taxi thế hệ mới như Uber hay Grab taxi có giá rẻ hơn là tất yếu. Theo tôi, cần phải khuyến khích sự “chính danh” của loại hình taxi mới này để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và toàn xã hội.
Đỗ Hào, TBKTSG - 09/2015 |